Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của WB cho biết, trong tháng 5, lạm phát toàn phần không thay đổi, lạm phát cơ bản có giảm nhẹ. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so cùng kỳ năm ngoái duy trì ở mức 4,4%, tương đương với tháng 4.

Thực phẩm và nhà ở tiếp tục là tác nhân chính gây ra lạm phát CPI. Lạm phát cơ bản trong tháng 5 giảm nhẹ xuống còn 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) từ mức 2,7% của tháng 4.

Mặc dù doanh số bán lẻ tăng trong tháng 5 so với tháng trước, dữ liệu so với cùng kỳ năm trước cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong tháng 5, doanh số bán lẻ tăng 1,2% so với tháng 4 nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa được cải thiện (tháng 4, chỉ số này là -0,3%).

Báo cáo cũng cho biết, sản xuất công nghiệp (IIP) tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện trong tháng 5. Chỉ số IIP tháng 5 tăng 2,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 8,9% do xuất khẩu tăng và hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm ngoái.

Trong tháng 5, IIP tăng mạnh nhờ xuất khẩu được cải thiện.

Trong khi đó, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực, với lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm duy trì ở mức cao, phản ánh chính sách tiếp tục thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Báo cáo nêu rõ, cam kết vốn FDI đối với Việt Nam đạt 11,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 5. Con số này cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn vốn FDI tiếp tục tập trung các ngành chế biến chế tạo và bất động sản. Giải ngân FDI lũy kế đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

WB nhận định, trước bối cảnh cầu quốc tế đang phục hồi nhưng cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng vẫn còn yếu, đồng USD mạnh lên, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Vì thế, Việt Nam cần xem xét tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.

Hoa Anh